Dù đã xuất hiện từ lâu, nhưng thực chất không phải ai cũng hiểu vay tín dụng đen là gì và dễ dàng bị mắc bẫy tín dụng này. Bởi vậy mà liên tục trong những năm gần đây, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những vụ việc vay tín dụng đen được phản ánh trên tivi, báo chí,…
Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin để giúp bạn có thể hiểu rõ được thế nào là tín dụng đen cũng như làm sao để tránh mắc bẫy hình thức tín dụng này.
Vay tín dụng đen là gì?
Vay tín dụng đen là gì? Đây là cách gọi chung của các hoạt động vay tín dụng tại các đơn vị không đăng ký kinh doanh cũng như không được Luật dân sự của Việt Nam và Ngân hàng nhà nước thừa nhận và cấp phép hoạt động.
Hoạt động tín dụng đen là hành động tự phát của một tổ chức hoặc cá nhân cho vay tín chấp, thế chấp với lãi suất cao vượt mức cho phép 20%/năm được ban hành bởi Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Các đặc điểm nhận biết tín dụng đen là gì?
Một hoạt động tín dụng được gọi là tín dụng đen khi có các đặc điểm sau:
Không được thừa nhận tính hợp pháp
Dù hình thức này khá phổ biến khi bạn có thể dễ dàng vay tín dụng đen thông qua thông tin quảng cáo được dán ở nhiều nơi nhưng đây lại là hình thức tín dụng không được pháp luật Việt Nam công nhận.
Với các quy định chặt chẽ về mức lãi suất, hình thức cho vay, chủ thể đại diện pháp lý,…tín dụng đen hoàn toàn không thể đáp ứng được đúng, chưa nói đến vấn đề đáp ứng đầy đủ, các yêu cầu được pháp luật đưa ra.
Ngoài ra, hình thức tín dụng này được sinh ra chỉ với mục đích đảm bảo quyền lợi của bên cho vay mà bỏ qua những quyền lợi của bên vay. Và để đảm bảo được quyền lợi của mình, bên cho vay còn có thể sẽ áp dụng những biện pháp đòi nợ tiêu cực, không chỉ gây nguy hiểm tới người vay mà còn gây mất trật tự, an ninh trong xã hội.
Lãi suất cao bất hợp lý
Ngoài việc gây mất trật tự, trị an, hình thức tín dụng đen còn áp dụng mức lãi vay cao cùng các điều khoản bất hợp lý lên người vay.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất vay tối đa mà một tổ chức tín dụng có thể áp dụng là 20%/năm, tương ứng với khoảng 1,66%/tháng. Tuy nhiên, với hình thức tín dụng đen, lãi suất vay sẽ được người cho vay tự đặt ra và thường ở mức rất cao.
Ví dụ phổ biến nhất đó là hình thức tính lãi 1.000 đồng/ 1.000.000 đồng/ngày. Nếu nhìn sơ qua, bạn sẽ thấy mức lãi so với số tiền vay là khá thấp. Nhưng thực chất mức lãi vay này lại cao hơn nhiều so với quy định.
Với mức lãi ngày là 1.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày sẽ tương ứng với mức lãi năm là 365.000 đồng/1.000.000 đồng/năm. Đồng nghĩa với việc lãi suất vay được bên cho vay áp dụng là 36,5%/năm.
Mức lãi suất vay này cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất chuẩn được Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Quy trình cho vay tự phát, không theo quy định
Do không chịu sự ràng buộc của pháp luật nên khi vay tại một tổ chức tín dụng đen, bạn sẽ không phải mất thời gian để chứng minh thu nhập, tài sản thế chấp, thông tin liên quan theo đúng quy trình của các ngân hàng và tổ chức tín dụng thông thường.
Thay vào đó, hợp đồng vay tín dụng đen thường chỉ được viết tay hoặc nói bằng miệng.
Ngoài ra, việc lựa chọn đối tượng cho vay không bị phụ thuộc vào mục đích sử dụng vốn, thu nhập tối thiểu, hiệu quả sử dụng vốn đề đầu tư, kinh doanh,…nên tốc độ xét duyệt hồ sơ vay cũng như thời gian giải ngân sẽ ngắn hơn rất nhiều.
Thông tin sơ sài
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp thông tin cho vay tín dụng đen thông qua các tờ rơi quảng cáo được phát ngoài đường hoặc dán trên các cột điện, tường, bảng quảng cáo. Tuy nhiên, để tìm được thông tin liên quan tới đơn vị cho vay này như mã số thuế, tên doanh nghiệp, văn phòng công ty,…lại là điều khó có thể làm được.
Đó là bởi các quỹ tín dụng đen là các tổ chức tự phát, đồng nghĩa với việc những đơn vị này sẽ không được cung cấp mã số thuế hay có tên gọi, địa chỉ văn phòng cụ thể để tránh tối đa việc chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thông tin duy nhất bạn có thể tìm được đó là số điện thoại để liên hệ vay vốn tại những quỹ này.
Tín dụng đen và vay tín chấp có phải là một hay không?
Nếu thủ tục cho vay đơn giản và thời gian giải ngân nhanh là một đặc điểm của tín dụng đen thì hình thức vay tín chấp có phải là một hình thức biến tướng của tín dụng đen hay không?
Tuy có những đặc điểm tương đồng nhưng thực chất, đây là hai hình thức tín dụng hoàn toàn khác nhau bởi những lý do sau:
Vay tín chấp là hình thức tín dụng hợp pháp ở Việt Nam
Dù quy trình cho vay đơn giản và thời gian giải ngân nhanh chóng như tín dụng đen nhưng hình thức cho vay tín chấp lại được thực hiện bởi các công ty tài chính hợp pháp, được cấp phép hoạt động bởi pháp luật nước ta. Đây là các công ty có đăng ký mã số thuế, vốn điều lệ, văn phòng công ty,…cũng như thông tin của các quỹ, ngân hàng cấp vốn hoặc điều hành đằng sau để người vay có thể tìm hiểu.
Thông tin khoản vay minh bạch
Khi vay tín chấp, thay vì lập hợp đồng viết tay hoặc chỉ có hợp đồng miệng, người đi vay sẽ được công ty tài chính lập hợp đồng cho vay và có sự xác nhận của cả hai bên thông qua chữ ký, chữ ký điện tử, bản ghi âm,…
Các thông tin liên quan tới khoản vay như lãi suất, phí phạt, các loại phí phát sinh khác, thời hạn trả nợ cho khoản vay,…đều được thể hiện một cách rõ ràng, chi tiết để tránh việc người vay phải chịu những chính sách, lãi suất vô lý gây mất quyền lợi của bản thân.
Lãi suất tuân theo quy định
Lãi suất hiện được các công ty tài chính áp dụng cho các khoản vay thế chấp hiện đang ở trong khoảng từ 14 – 18,5%/năm. Mức lãi suất này tuy cao hơn so với lãi suất vay ngân hàng nhưng vẫn nằm trong tỷ lệ lãi suất được phép áp dụng tại Việt Nam.
Lý do khiến lãi suất vay tín chấp cao như vậy là bởi đối tượng sử dụng các khoản vay tín chấp là những người đang cần tiếp cận nguồn vốn gấp, hoặc phục vụ mục đích tiêu dùng. Có thể coi việc lãi suất cao là chi phí cơ hội để bạn có thể được giải ngân nguồn vốn vay một cách nhanh chóng nhằm phục vụ mục đích cá nhân.
Làm thế nào để không bị mắc bẫy của tín dụng đen?
Để có thể bảo vệ mình khỏi bẫy tín dụng đen, điều đầu tiên bạn cần làm đó là bổ sung cho mình những kiến thức cơ bản về tài chính như cách tính lãi suất, các mức lãi suất cơ bản, các hình thức cho vay hợp pháp hiện có trên thị trường,…
Bởi trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, ngày càng có nhiều sản phẩm tín dụng mới áp dụng công nghệ được ra đời nhằm tăng tốc độ vay vốn và sự thuận tiện cho người vay.
Trong số vô vàn những ứng dụng, trang web cho vay hiện nay, nếu không có sự hiểu biết nhất định, bạn sẽ rất dễ vay phải những đơn vị cho vay tín dụng đen biến tướng.
Tiếp đến, dù cần vốn thế nào, hãy tránh xa những thông tin cho vay có thể dễ dàng tìm thấy nhất như tờ rơi quảng cáo, poster dán tường,…
Có bao nhiêu ngân hàng sẵn sàng thuê người để phát tờ rơi ở những ngã tư đường đồng đúc? Hay có bao nhiêu công ty tài chính có uy tín sẽ cho bạn vay vốn thông qua những số điện thoại cá nhân được dán trên tường?
Bởi lợi nhuận thu lại cao nên những quỹ tín dụng đen này sẽ không loại trừ bất cứ hình thức nào để có thể tiếp cận tới những người đang cần tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng.
Trên đây là những thông tin và kinh nghiệm để giúp bạn hiểu rõ được vay tín dụng đen là gì. Mong rằng qua thông tin này, bạn đã có thể hiểu được bản chất thế nào là tín dụng đen cũng như cách để tránh mắc bẫy của hình thức tín dụng này.